H. Bàu Bàng: Xã Trừ Văn Thố tiếp tục phát huy Mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”
Mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” được Ủy ban MTTQ VN xã Trừ Văn Thố chủ trì triển khai rộng khắp, được người dân hưởng ứng tích cực.
Năm 2018, Uỷ ban MTTQ xã phối hợp ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại 04 ấp. Lực lượng nòng cốt tham gia mô hình ở mỗi ấp có lãnh đạo, trưởng các chi hội, đoàn thể, thành viên tổ thu gom rác thải. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như phân loại rác tại nguồn; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ... Hàng tháng, các ấp, khu dân cư phát động nhân dân tham gia quét dọn đường, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc, bảo vệ hoa và cây xanh nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp… Mô hình điểm mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường địa phương, làm tiền đề quan trọng để Ủy ban MTTQ xã tiếp tục nhân rộng.
Sau hơn 6 năm triển khai, đến nay, toàn xã đã thành lập và duy trì được 04 mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại 4 ấp và phát triển thêm 01 mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường trong tổ chức tôn giáo” được Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp trên đánh giá cao. Mô hình đã đạt được mục tiêu quan trọng là phát huy được vai trò, trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận ấp trong phối hợp với các đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện bảo vệ môi trường với phương châm “vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản”. Mô hình còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân về công tác bảo vệ môi trường.
05 năm trước, xã Trừ Văn Thố từng có nhiều bãi rác thải phát sinh ven đường giao thông, cổng trường học. Nhiều người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, còn xả rác bừa bãi. Những hạn chế này đã nhanh chóng được giải quyết kể từ khi xã vào cuộc quyết liệt bằng việc xây dựng bãi chứa rác thải tập trung và thành lập mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” ở cả 4 ấp. Định kỳ hằng tháng, các ấp đều ra quân vệ sinh môi trường. Người dân đã bắt đầu hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Cán bộ và nhân dân cùng tham gia giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh những trường hợp xả rác bừa bãi. “Ven đường giao thông ở xã giờ không còn cảnh ngập rác như trước mà thay vào đó là hoa và cây xanh”.
Cần thực chất hơn
Tuy nhiên, thực tế vẫn có khu dân cư đã xây dựng được mô hình nhưng hoạt động chưa thực chất. Việc huy động nhân dân ra quân vệ sinh môi trường theo định kỳ vẫn chưa được duy trì. Tình trạng đổ trộm rác tạo nên những bãi rác tự phát vẫn còn. Không ít cơ sở chăn nuôi vẫn gây ra những tác động xấu tới môi trường...
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình duy trì được sức sống là do có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Các đồng chí lãnh đạo xã xuống tận cơ sở tham gia vệ sinh môi trường cùng nhân dân tạo hiệu ứng tích cực, giúp nhân dân có thêm khí thế tham gia phong trào. Công tác giám sát bảo vệ môi trường được đưa vào kế hoạch hằng năm của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở xã đã góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của những người đứng đầu ấp, khu dân cư trong việc bảo vệ môi trường… Những cách làm này cần được phát huy để mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” duy trì một cách thực chất hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã cho biết thành viên tham gia tổ tự quản bảo vệ môi trường ở một số ấp chưa được cập nhật thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường. Trang thiết bị bảo hộ cho các thành viên tổ thu gom rác thải chưa bảo đảm. Nơi xử lý và thu gom rác thải chưa đạt yêu cầu, thu gom không đều đặn để rác tồn đọng. Do đó, rất cần các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để duy trì và nhân rộng mô hình, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho các tổ trưởng tổ tự quản bảo vệ môi trường ở ấp, khu dân cư…
MTTQ xã Trừ Văn Thố